Theo Datareportal, Việt Nam là một quốc gia có tốc độ phát triển nhanh về sự gia tăng người dùng Internet và độ bao phủ trên các vùng lãnh thổ. Tính đến tháng 01/2024, Việt Nam có 78,44 triệu người dùng Internet (tỉ lệ 79,1% trên tổng 99,19 triệu dân số) và có 72,70 triệu người dùng các nền tảng mạng xã hội đang hoạt động tại Việt Nam. Tỉ lệ trẻ em Việt Nam sử dụng các dịch vụ, ứng dụng trên mạng Internet ở mức cao và độ tuổi trung bình tiếp cận, sử dụng các thiết bị di động thông minh và mạng Internet sớm so với thế giới.
Ảnh minh họa
Việc trẻ em tiếp xúc, sử dụng Internet sớm, trong khi chưa được trang bị đầy đủ nhận thức về các mối nguy hại từ môi trường mạng là nguyên nhân cơ bản đưa trẻ em trở thành mục tiêu, nạn nhân cho các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, gây tổn hại tâm lý, danh dự, nhân phẩm, thậm chí là sức khỏe và tính mạng của các em. Trẻ em tham gia môi trường mạng đang phải đối mặt với những nguy cơ sau:
Nguy cơ bị xâm hại tình dục
Các đối tượng có thể lợi dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram, các ứng dụng hẹn hò (Tinter, Litmarch), phòng chat “ảo”, Game online (liên quân Mobile, PUBG, Free Fire) để nhắn tin với các em dần tiếp cận, làm quen. Sau một thời gian trò chuyện, các đối tượng chuyển chủ đề từ học hành, sở thích sang chủ đề về giới tính, về tình dục và lôi kéo trẻ cùng xem phim, hình ảnh khiêu dâm trên mạng rồi dụ dỗ các em tự quay, tự chụp lại cảnh trình diễn khiêu dâm. Sau khi có được các hình ảnh của các em, đối tượng thực hiện hành vi tống tiền hoặc sẽ bán hình ảnh các em cho các đối tượng khác. Mặt khác, một số đối tượng sau thời gian trò chuyện với các em thì hứa hẹn tình cảm, thậm chí cho vay tiền, tặng quà với mục đích để dễ tiếp cận, gặp gỡ các em ở ngoài thực tế để thực hiện các hành vi xâm hại tình dục, có trường hợp đối tượng đã dụ dỗ mang bán trẻ em sang các nước khác.
Một trong những nguy cơ nữa là các em có thể bị bắt nạt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm nhục trên môi trường mạng
Hiện nay, diễn ra phổ biến trên không gian mạng là việc tán phát các hình ảnh, video clip của các em bị bạo lực học đường, làm nhục thậm chí là bị xâm hại tình dục lên mạng để “khoe chiến tích” hoặc thu hút người xem, nhận tương tác. Mặc khác, do thù ghét cá nhân trong quá trình học tập, một số học sinh đã chế, ghép các thông tin, hình ảnh của bạn học sau đó đăng lên mạng xã hội gây tổn hại danh dự, nhân phẩm, thậm chí tạo các tài khoản, hội, nhóm “anti”, bốc phốt, tẩy chay người khác, thậm chí là cả giáo viên.
Tham gia không gian mạng sớm, trẻ em cũng có thể bị ảnh hưởng bởi trào lưu xấu, các thông tin độc hại và vi phạm pháp luật
Có lẽ chúng ta vẫn còn nhớ vào năm 2019, trào lưu thử thách momo, cá voi xanh nổi lên như một hiện tượng mạng đã thu hút số lượng lớn người tham gia đã gây ra những hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý trẻ em. Trên địa bàn tỉnh, một số đối tượng thông qua không gian mạng kêu gọi các em tụ tập sử dụng xe mô tô, xe gắn máy lạng lách, đánh võng hoặc cổ súy cho hành vi đua xe, gây rối trật tự công cộng. Bên cạnh đó, các đối tượng kêu gọi các em sử dụng các hung khí nguy hiểm sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
Một trong những vấn đề cần được quan tâm hiện nay là nguy cơ bị xâm phạm quyền riêng tư, sử dụng trái phép thông tin cá nhân vào mục đích vi phạm pháp luật và bị chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Quá trình hoạt động trên không gian mạng, trẻ em và phụ huynh do tính cách thích thể hiện, thích khoe khang mà đăng tải, chia sẻ các thông tin cá nhân của trẻ em, trong đó nhiều thông tin về tên, tuổi, địa chỉ, nơi ở, trường lớp, kết quả học tập, số điện thoại, tình hình sức khỏe, hình ảnh CCCD/Thẻ học sinh, tiền bạc hoặc hoàn cảnh gia đình. Do đó, các đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo các em từ 14 tuổi đã được cấp CCCD tham gia lập tài khoản ngân hàng, sau đó bán lại cho các đối tượng kiếm lời.
Thời gian gần đây, các loại tội phạm có sự chuyển dịch mạnh mẽ trên môi trường mạng với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhắm vào đối tượng là trẻ em để chiếm đoạt tài sản, chủ yếu các phương thức như “mua, bán vật phẩm game online”; “cho, tặng điện thoại, máy tính để phục vụ học tập”…
Ảnh minh họa
Từ những nguy cơ trên, các bậc phụ huynh, nhà trường cần giáo dục cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng
Thận trọng khi kết bạn với người lạ trên mạng xã hội. Kiểm tra, xác minh rõ danh tính của những người quen biết trên mạng.
Không tò mò vào các đường link, đường dẫn lạ, tránh xa và không cổ súy cho những hành vi bạo lực, tục tĩu, khiêu dâm, phản cảm, gợi dục trên mạng xã hội…
Không tự quay, chụp hình ảnh nhạy cảm của mình để gửi cho bất kỳ ai;
Tuyệt đối Không cho người khác quay, chụp những hình ảnh nhạy cảm trên cơ thể mình vì bất kỳ lý do gì;
Không chụp, quay, phát tán hình ảnh nhạy cảm của người khác vì bất kỳ mục đích gì (đây là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý).
Kịp thời báo với phụ huynh, nhà trường và cơ quan chức năng khi có đối tượng tiếp cận trên môi trường mạng hoặc phát hiện người khác chia sẻ những hành vi bạo lực, tục tĩu, khiêu dâm, phản cảm, gợi dục trên mạng xã hội…
Trước sự phát triển bùng nổ của công nghệ như hiện nay, thì việc trẻ em có nhiều hoạt động trên không gian mạng, nhất là các nền tảng mạng xã hội sẽ có chiều hướng gia tăng. Do vậy, để bảo vệ trẻ em và tạo môi trường an toàn cho các em khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, mong rằng các cấp, các ngành, gia đình và nhà trường cần tăng cường trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng để làm hành trang, giúp các em nhận diện nguy cơ bị xâm hại trên không gian mạng để tự bảo vệ bản thân mình, góp phần xây dựng môi trường mạng trong sạch, an toàn.